Cây bồ kết được trồng nhiều ở Việt Nam và mọc tự nhiên. Bạn sẽ nghĩ ngay tới điều gì khi nhắc tới loài cây này? Có lẽ đó là mùi hương nhẹ nhàng, quả bồ kết phần lớn được mọi người dùng với mục đích cơ bản như nấu nước gội đầu, vì có mùi thơm dịu nhẹ và sạch gàu. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc nuôi dưỡng mái tóc bóng mượt, bồ kết còn mang lại nhiều công dụng tuyệt vời hơn như vậy nữa.
Trong Đông y, gai bồ kết còn có tên gọi thông dụng khác là Tạo giác thích. Theo y học cổ truyền, đây là vị thuốc có vị cay và tính ôn, có tính kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh được dùng để chữa các chứng thông tắc sữa, trị cảm gió, ho đàm, chín mé, đau nhức xương khớp do đàm thấp và đặc biệt là chứa chứng ung nhọt mưng mỏ,… Tuy nhiên, phụ nữ có thai hoặc đối tượng âm hư hỏa vượng được dược liệu khuyến cáo chống chỉ định.
Vậy cây bồ kết được sử dụng để chữa mụn nhọt như thế nào? Mời các bạn cùng tham khảo đặc điểm và cách trị mụn nhọt nhé!
Để chữa mụn nhọt, dùng gai bồ kết, kim ngân hoa, cam thảo, mỗi thứ từ 2 đến 8 g để sắc nước uống.
Tiến sĩ Võ Văn Chi cho biết thêm về đặc điểm cây bồ kết
Theo tiến sĩ Võ Văn Chi, tác giả từ điển Cây thuốc Việt Nam, bồ kết còn gọi là bù kết, châm kết, miên kết, mận kết, tận kết. Tên khoa học: Gleditsia australis Hemsl. Ex Forbes et Hemsl, thuộc họ đậu Fabaceae.
Bồ kết thuộc loại cây gỗ, cao từ 5 đến 10 m. Thân có gai khỏe, phân nhánh từ 10 đến 15 cm. Lá thường 2 lần lông chim, có trục dài từ 6 đến 12 cm, có lông mịn hoặc gần nhẵn. Lá lông chim từ 2 đến 4 đôi, trục dài từ 7 đến 10 cm. Lá chét từ 6 đến 8 đôi, gân đối hay xen kẽ, thuôn, dài từ 20 đến 35 mm, rộng từ 10 đến 20 mm, tròn lõm ở đầu, nhọn không cân ở gốc, lượn tai bèo ở mép, không lông hay có lông rải rác, gân bên mảnh khoảng 10 đôi, cuống phụ khoảng một mm.
Cụm hoa bồ kết chia thành chùy hay chum bó ở trên nách lá hay ngọn, có lông mềm. Hoa 5 cánh thuôn hình trứng ngược, có cuống từ 2 đến 3 mm, có lông mềm màu trắng, lá đài 5, hình tam giác kéo dài. Hoa đực có 10 nhị. Hoa lưỡng tính 5 nhị, bầu không cuống, phủ lông sát. Quả đậu, dài từ 10 đến 12 cm, rộng từ 1,5 đến 2 cm, hơi cong, tù ở đầu, gồ lên trên các hạt, không lông. Hạt từ 10 đến 12 cm, màu nâu nâu, có cuống ngắn từ 3 đến 4 mm.
Cây bồ kết thường được phân bố ở đâu?
Cây bồ kết ưa sáng, mọc rải rác trong rừng rậm thường xanh thứ sinh và thường được trồng quanh làng bản, vườn, ở độ cao dưới 700 m. Loài thực vậy này ưa đất tốt, sâu, ẩm. Sinh trưởng nhanh, tái sinh hạt dễ dàng, đâm chồi khỏe. Phân bố nhiều ở Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, TP HCM. Ngoài ra còn có ở Trung Quốc.
Đông y dùng gai bù kết làm thuốc, thường gọi là tạo giác thích. Người ta thu hái quanh năm, phơi khô. Thuốc này có vị cay, tính ấm, tác dụng tiêu thũng độc, sưng vú, làm xuống sữa.
Phân tích dược lý cho thấy gai bồ kết chứa gleditsia saponin B-G, axit palmatic, axit béo, nonacosane. Hỗn hợp saponin và flavonoid có tác dụng ức chế tụ cầu vàng. Tiến sĩ Võ Văn Chi giới thiệu một số bài thuốc từ bồ kết như sau:
Sưng vú ở phụ nữ
Tạo giác thích 30 g. Đốt thành than (tồn tính), nghiền bột. Mỗi lần dùng 3 g; uống với nước rượu vàng ấm.
Mụn nhọt
Gai bồ kết, kim ngân hoa, cam thảo, mỗi thứ từ 2 đến 8 g, sắc nước uống. Đồng thời, lấy gai bồ kết; quả bồ hòn đốt thành than; tán bột mịn trộn với bồ hóng bếp và nhựa thông phết vào giấy bản làm cao dán lên mụn.
Nguồn: yhtnn.vn