Virus và vi khuẩn thường phát triển trong điều kiện nhiệt đột thấp. Vì vậy, mùa đông là thời điểm thích hợp cho chúng sinh sôi nảy nở. Vào mùa này, cơ thể con người thường mắc các bệnh về đường hô hấp. Đặc biệt, đối với trẻ nhỏ có hệ miễn dịch thấp, vi khuẩn có thể xâm nhập dễ dàng hơn.

Một số nguyên nhân gây bệnh hô hấp thường gặp

Sự biến động nhiệt độ diễn ra quá nhanh khiến hệ miễn dịch của trẻ suy yếu. Vì vậy, trẻ thường có nguy có nhiễm bệnh cao hơn so với người lớn.

– Virus cúm gây bệnh đường hô hấp dễ dàng phát triển trong thời tiết lạnh.

– Mùa lạnh không khí kém lưu thông và bị tù túng. Mọi người ít hoạt động ngoài trời và có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn. Việc này tạo điều kiện cho các tác nhân vi sinh vật trong không khí sinh sôi nảy nở nhiều hơn.

Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp cho trẻ (ảnh minh họa)
Thời tiết thay đổi thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, virus gây bệnh hô hấp cho trẻ (ảnh minh họa)

Các bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ

Viêm xoang cấp

Trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi kéo dài, nước mũi chuyển sang màu trắng đục, xanh hoặc vàng là các triệu chứng dễ phát hiện nhất khi trẻ bị viêm xoang cấp.

Trẻ nhỏ sẽ quấy khóc nhiều. Trẻ lớn có thể kêu bị nhức đầu, đau sau hốc mắt, khô rát họng.

Ho, viêm mũi họng do virus

Khi bị bệnh trẻ sẽ bắt đầu với triệu chứng sốt, nhức đầu, mệt mỏi, hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi. Sau 4-5 ngày trẻ sẽ bị ho, kèm đau bụng, nôn ói hoặc tiêu chảy.

Sau 5 – 7 ngày bệnh sẽ tự khỏi nhưng cha mẹ cũng cần phát hiện. Điều trị sớm cho trẻ để không gây biến chứng đáng tiếc.

Viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp

Trẻ ở độ tuổi từ 6 tháng đến 6 tuổi là đối tượng dễ mắc viêm thanh quản và viêm thanh khí phế quản cấp.

Khi trẻ khởi phát bệnh sẽ bị viêm mũi họng thông thường, khàn tiếng, tắt tiếng, khò khè, thở rít, co lõm hõm ức và lồng ngực.

Khi bị nặng hơn trẻ sẽ ho rất nhiều. Có thể khó thở, thở gấp, vã mồ hôi…

Sốt, ho, sổ mũi là các triệu chứng điển hình khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp (ảnh minh họa)
Sốt, ho, sổ mũi là các triệu chứng điển hình khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp (ảnh minh họa)

Viêm thanh thiệt cấp

Độ tuổi dễ mắc nhất là 2 – 6 tuổi. Trẻ có biểu hiện sốt cao, nuốt đau, họng ứ đọng nhiều nước bọt, nổi hạch 2 bên cổ, thay đổi giọng nói, mất tiếng, ho khan ho có đờm, khó thở…

Bệnh viêm thanh thiệt cấp tiến triển rất nhanh và nặng. Nếu không xử lý kịp thời trẻ có thể thể bị tử vong.

Viêm amidan

Đây là bệnh đường hô hấp thường gặp nhất ở trẻ nhỏ. Triệu chứng chính của bệnh là những cơn sốt tái đi tái lại, đau họng, sưng amidan, mủ trắng trong amidan.

Viêm phổi

Bệnh xảy ra do vi khuẩn HIB và phế cầu khuẩn, trẻ có triệu chứng thở nhanh bất thường, ho kèm khò khè, sốt cao, thở mệt… Khi bệnh nghiêm trọng có thể gây tử vong cho trẻ.

Khi bệnh đường hô hấp chuyển nặng có thể đe doạ tính mạng của trẻ (ảnh minh họa)
Khi bệnh đường hô hấp chuyển nặng có thể đe doạ tính mạng của trẻ (ảnh minh họa)

Phòng ngừa bệnh hô hấp cho trẻ trong mùa lạnh bằng cách nào?

Để có thể bảo vệ sức khỏe đường hô hấp cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, phụ huynh cần lưu ý cách phòng tránh bệnh:

Giữ ấm đường hô hấp

Các tác nhân gây bệnh trong không khí tiếp xúc chủ yếu tới trẻ qua khu vực mũi họng khiến trẻ dễ dàng bị kích ứng, viêm nhiễm.

Sức đề kháng yếu của trẻ không đủ chống chọi các tác nhân gây bệnh nên dễ mắc bệnh như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tai giữa… Do đó cha mẹ nên giữ ấm đường thở cho trẻ trong mùa lạnh bằng cách: mặc ấm, quàng khăn, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, ăn uống đồ ấm…

Vệ sinh thân thể và môi trường sạch sẽ

Có thể loại bỏ vi khuẩn, virus xung quanh trẻ bằng cách giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh thân thể cho trẻ.

Hướng dẫn trẻ cách tự vệ sinh cá nhân như cắt móng tay, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đồ chơi. Vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày.

Cha mẹ cần dọn dẹp sạch sẽ. Làm thông thoáng nơi ở của trẻ. Vệ sinh đồ chơi và đồ dùng của trẻ.

Vào mùa lạnh, cần mặc ấm và che kín tai - mũi - họng cho trẻ khi ra ngoài để tránh vi khuẩn, virus xâm nhập (ảnh minh họa)
Vào mùa lạnh, cần mặc ấm và che kín tai – mũi – họng cho trẻ khi ra ngoài để tránh vi khuẩn, virus xâm nhập (ảnh minh họa)

Bổ sung dinh dưỡng cho trẻ

Chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất sẽ giúp trẻ tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch.

Đối với trẻ nhỏ còn bú mẹ, sữa là nguồn dinh dưỡng củng cố sức đề kháng cho trẻ.

Đối với trẻ lớn, ngoài bữa chính, mẹ cần cho trẻ ăn thêm nhiều trái cây, rau củ chứa vitamin, chất xơ…

Tiêm vắc-xin

Trẻ cần được tiêm vắc-xin phòng cúm mỗi năm 1 lần. Cần tiêm trước mùa lạnh khoảng 1 tháng.

Nên nhớ không cho trẻ đi tiêm khi trẻ đang bị cúm, nghi ngờ nhiễm cúm hoặc bị các bệnh nhiễm trùng khác.

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ mắc phải các bệnh đường hô hấp trong mùa lạnh. Cha mẹ cần tìm hiểu và trang bị kiến thức để phòng tránh và nhận biết bệnh của trẻ để xử lý kịp thời.

Nguồn:suckhoedoisong.vn